Thông tin thuốc
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐỀ KHÁNG KHÁNG SINH – MỐI HIỂM HỌA VÀ BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA

Nguồn ảnh: Antibiotic Research UK

Sức khỏe cộng đồng và hoạt động sản xuất lương thực bền vững giờ đây đang phải đối mặt với một thách thức lớn trên toàn cầu – Sự lây lan ngày càng tăng của vi khuẩn kháng thuốc. Điều gì sẽ xảy ra với nhân loại khi siêu vi khuẩn có khả năng kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh đã xuất hiện. Một câu hỏi mà chưa ai dám trả lời.

Theo báo cáo về vi khuẩn kháng thuốc của chính phủ Vương quốc Anh, hiện nay trên thế giới, trung bình mỗi năm có khoảng 700.000 người chết do kháng thuốc kháng sinh gây ra. Nếu không có những hành động cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh thì đến năm 2050, ước tính mỗi năm sẽ có khoảng 10.000.000 người chết vì các loại siêu vi khuẩn. Con số này nhiều hơn cả số người chết mỗi năm do ung thư, đái tháo đường, tiêu chảy hay tai nạn giao thông. Tổ chức Y tế thế giới ước tính không lâu nữa trên toàn cầu cứ 3 giây sẽ có 1 người chết do siêu vi khuẩn kháng thuốc. Trong khi, Việt Nam chúng ta là một trong những nước có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất trên thế giới.

Để có một loại thuốc kháng sinh, các nhà khoa học phải mất khoảng 30 năm mới bào chế thành công nhưng để gây nên tình trạng kháng lại thuốc kháng sinh thì chỉ mất một thời gian rất ngắn, khi chúng ta sử dụng không đúng và quá lạm dụng. Chính vì vậy để chống lại tình trạng kháng thuốc thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người.

Định nghĩa về tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Kháng thuốc kháng khuẩn xảy ra khi các vi khuẩn, nấm mốc hay ký sinh trùng trở nên đề kháng với các thuốc kháng khuẩn.

Các vi khuẩn trở nên kháng thuốc như thế nào?

Các thuốc kháng khuẩn ví dụ như thuốc kháng sinh dùng để tiêu diệt và ngăn chặn các vi khuẩn sinh sôi trong cơ thể người, động vật và thực vật. Việc kháng thuốc có thể phát triển tự nhiên theo thời gian nhưng việc lạm dụng và sử dụng sai các thuốc kháng sinh cho người và cho các hoạt động nông nghiệp góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của các vi khuẩn kháng thuốc. Kết quả là những loại thuốc mà chúng ta dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường dần trở nên kém hiệu quả và thậm chí là vô tác dụng.

Vi khuẩn kháng thuốc lây lan như thế nào?

Người ta có thể tìm thấy các vi khuẩn kháng thuốc trên người, động vật, thức ăn, nước và ngoài môi trường. Vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan dọc theo chuỗi lương thực, thực phẩm vào môi trường, lây lan giữa người và động vật hoặc từ người sang người.

Hậu quả của kháng thuốc

Kháng thuốc ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, do thuốc trở nên kém hiệu quả và bệnh trở nên nặng hơn. Một số nghiên cứu tại Việt Nam ghi nhận có từ 70% đến 93% vi khuẩn gây viêm phổi có kháng thuốc, trong đó nhiều trường hợp nguy kịch vì vi khuẩn đa kháng, nguy cơ không còn kháng sinh điều trị được vì vi khuẩn đề kháng kháng sinh.

Chúng ta sẽ mắc bệnh trong thời gian dài hơn và phải ở bệnh viện lâu hơn, rất nhiều trường hợp đã tử vong. Vì vậy, nhiễm trùng vốn đã từng điều trị được sẽ đến lúc có bệnh mà không có thuốc kháng sinh nào chúng ta có thể chữa được bệnh. Cụ thể, với một vết thương bị nhiễm trùng thì chúng ta chỉ cần một vài viên thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng thì với tình trạng đề kháng kháng sinh thì chúng ta phải bỏ ra càng nhiều tiền để mua rất nhiều thuốc kháng sinh và cần nhiều thời gian điều trị hơn nhưng hiệu quả lại rất hạn chế.

Chuỗi cung cấp lương thực, thực phẩm và nông nghiệp năng suất sẽ kém đi và dẫn tới không đảm bảo an ninh lương thực và việc lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn tới lương thực, thực phẩm bị tồn dư thuốc kháng sinh, không an toàn, ảnh hưởng tới môi trường, nguồn nước và đất bị ô nhiễm do lượng thuốc và các vi khuẩn kháng thuốc bị thải ra môi trường.

Chúng ta cần làm gì?

Mối đe dọa toàn cầu đòi hỏi phương pháp tiếp cận với sự hợp tác của tất cả các ngành và sự chung sức, đồng lòng của người dân trong chiến dịch dài hơi phòng chống đề kháng kháng sinh. Cần kết nối từng cá nhân với các ngành để giảm thiểu việc sử dụng thuốc kháng sinh ở người, động vật và đảm bảo việc sử dụng thuốc kháng sinh có lựa chọn, có trách nhiệm và thông minh.

Đối với người dân:

  • Khi bị bệnh không tự ý mua và không tự ý sử dụng thuốc. Chỉ sử dụng kháng sinh theo đơn của bác sĩ.
  • Kháng sinh không chữa được các bệnh gây ra bởi virus như cảm lạnh và cảm cúm.
  • Uống đúng liều, luôn luôn dùng đủ liều kháng sinh kể cả khi đã cảm thấy đỡ hơn.
  • Không chia sẻ thuốc kháng sinh ngay cả với người thân và bạn bè.
  • Rửa sạch tay để ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn, tránh việc sử dụng đến kháng sinh.

Đối với các cơ sở y tế và nhà thuốc:

  • Bác sĩ chỉ kê kháng sinh khi thực sự cần thiết.
  • Nhà thuốc chỉ bán kháng sinh khi có đơn thuốc của bác sĩ.
  • Giáo dục cho người bệnh dùng thuốc đúng liều, đúng thời gian và không dùng thuốc quá hạn dùng.
  • Thực hành và tuân thủ tốt các công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế.

Đối với ngành nông nghiệp:

  • Các bác sĩ thú y kê đơn có trách nhiệm và chỉ sau khi đã chẩn đoán đầy đủ. Luôn đưa ra lời khuyên về các lựa chọn thay thế cho thuốc kháng sinh như sử dụng vắc xin.
  • Những người nông dân thông qua kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt tốt, sử dụng có trách nhiệm các loại thuốc kháng sinh chất lượng và dựa trên lời khuyên của chuyên gia.
  • Cơ sở sản xuất lương thực − thực phẩm sản xuất và chế biến với điều kiện vệ sinh tốt, kỹ thuật phù hợp và thân thiện với môi trường.
  • Xây dựng hệ thống kiểm tra và giám sát, luôn đảm bảo rằng những quy định về việc sử dụng kháng sinh được tuân thủ trong nuôi trồng và chế biến thực phẩm.

Kết luận

Tình trạng đề kháng kháng sinh đang đặt nhân loại nói chung và cuộc sống của mỗi người chúng ta vào rủi ro và thách thức vô cùng lớn trong tương lai. Trước khi đặt hi vọng về các kháng sinh mới mà các nhà khoa học bào chế được thì chúng ta hãy nghĩ đến loại kháng sinh mà ai trong chúng ta cũng đều có, đó là sức đề kháng tự nhiên của cơ thể và sự cẩn trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh, bởi đây chính là cách hiệu quả nhất giúp chúng ta chống lại các vi khuẩn đang biến đổi từng ngày. Ngoài ra, nếu chúng ta sử dụng thuốc kháng sinh trong nông nghiệp có trách nhiệm. Chúng ta sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực bền vững và cứu sống nhiều mạng người.

Tài liệu tham khảo:

https://kcb.vn/tai-lieu-truyen-thong-pc-khang-thuoc-nam-2020.html

http://kcb.vn/tai-lieu-cho-tuan-le-truyen-thong-phong-chong-khang-thuoc-tu-ngay-16-22112015.html

https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/nguy-co-het-thuoc-chua-vi-khang-khang-sinh-20181112192134275.htm

https://www.who.int/news/item/29-04-2019-new-report-calls-for-urgent-action-to-avert-antimicrobial-resistance-crisis


Tác giả: DS. LÝ KHOA ĐĂNG
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TRUNG TÂM Y TẾ THỊ XÃ GIÁ RAI
Địa chỉ : Trần Văn Sớm, Phường 1, Thị Xã, Giá Rai, Bạc Liêu, Việt Nam

Điện thoại: 0291.3847490 
Cấp cứu: 0291.3847529