THÔNG TIN THUỐC THÁNG 02/2023 (V/v thông tin thuốc mới Thuốc Theophyllin)
Nhằm mục đích sử dụng thuốc an toàn - hợp lý và kịp thời cho điều trị, đơn vị Thông tin thuốc xin tóm tắt thông tin về thuốc Theophyllin có trong danh mục thuốc Trung tâm y tế
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 02/2023
(V/v thông tin thuốc mới Thuốc Theophyllin)
Nhằm mục đích sử dụng thuốc an toàn - hợp lý và kịp thời cho điều trị, đơn vị Thông tin thuốc xin tóm tắt thông tin về thuốc Theophyllin có trong danh mục thuốc Trung tâm y tế như sau:
1. Tên chung quốc tế: Theophyllin
2. Loại thuốc: Thuốc giãn phế quản.
3. Dạng thuốc và hàm lượng: Viên nén phóng thích kéo dài
4. Dược lý và cơ chế tác dụng:
Theophylin tác dụng trực tiếp làm giãn cơ trơn phế quản, làm giảm co thắt phế quản và kích thích hô hấp. Theophylin uống khởi đầu tác dụng chậm hơn β2 nên không có lợi trong cơn cấp. Tuy nhiên Theophylin làm giảm triệu chứng, đặc biệt hen suyễn về đêm và có thể làm giảm nhu cầu corticosteroid. Theophylin được dùng phối hợp điều trị cho bệnh nhân không được kiểm soát hen đầy đủ bằng corticosteroid. Một số bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đáp ứng tốt với theophylin. Thuốc kích thích cơ tim và hệ TKTW, làm giảm sức cản ngoại vi và áp lực tĩnh mạch, gây lợi tiểu.
5. Chỉ định:
- Hen phế quản khó thở kịch phát. Hen mạn tính.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
6. Liều lượng và cách dùng:
Đối với trẻ em trên 3 tuổi:
+ Liều đầu tiên: 10 - 14 mg/kg, 1 lần/ngày (tối đa 300 mg/ngày);
+ Liều duy trì: nếu chưa đáp ứng thì có thể tăng tới 20 mg/kg/ngày (tối đa 600 mg/ngày).
Đối với người lớn:
+ Liều đầu tiên: 300mg, 1 lần/ngày;
+ Liều duy trì: 400 - 600 mg, 1 lần/ngày (tối đa 600 mg/ngày).
Khuyến cáo: khi chưa đáp ứng với liều đầu tiên theophyllin nên phối hợp nhóm thuốc điều trị hen hoặc COPD khác là an toàn và hiệu quả hơn so với tăng liều cao theophyllin.
7. Chống chỉ định:
- Trẻ em dưới 3 tuổi. Không dung nạp Theophylin
- Quá mẫn với các xanthin hoặc các thành phần của thuốc. Bệnh loét dạ dày tá tràng đang hoạt động, co giật, động kinh không kiểm soát được.
8. Thận trọng
Thận trọng theo dõi các tác dụng phụ của thuốc trên người nghiện rượu, suy tim, xơ gan, người cao tuổi, cường giáp, tăng nhãn áp, đái tháo đường, giảm oxygen máu nặng, tăng huyết áp, động kinh, đau thắt ngực hoặc thương tổn cơ tim, phụ nữ có thai và cho con bú.
9. Tương tác với các thuốc khác và các dạng tương tác:
Ciprofloxacin, erythromycin, clarithromycin, fluconazol có thể làm tăng nồng độ theophylin huyết thanh do làm giảm độ thanh thải theophylin ở gan.
10. Tác dụng không mong muốn
Theophylin gây kích ứng dạ dày - ruột, kích thích hệ TKTW (nhịp tim nhanh, bồn chồn).
11. Tài liệu tham khảo
- Tờ hướng dẫn sử dụng Théostat LP®
- Dược thư quốc gia Việt Nam 2018